Đột quỵ không phải là căn bệnh của riêng người già. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không phòng tránh được như tuổi tác, chủng tộc…, thì kể cả người trẻ cũng cần có một lối sống lành mạnh.
36 tuổi đã đột quỵ vì huyết áp cao
Trong ca làm việc đêm tại gara, anh N.L.C (36 tuổi, người Hà Nội, công tác tại TP. Hồ Chí Minh) đang đi lấy xe ô tô của khách đậu ở bãi thì bất ngờ thấy mệt mỏi, chóng mặt.
“Chỉ chưa đầy 1 phút sau, tôi đã đi liêu xiêu, làm rơi điện thoại xuống đất sau đó đập người vào tường ngất lịm đi”, anh C. nhớ lại.
May mắn là anh C. được các đồng nghiệp phát hiện kịp thời và đưa vào Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh). Qua thăm khám, các bác sĩ xác định anh C. bị đột quỵ thể xuất huyết não. Bệnh nhân ngay sau đó được phẫu thuật và cấp cứu nội khoa.
Sau 1 tháng điều trị, anh C. được chuyển sang một bệnh viện khác trong địa bàn để tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên, qua 6 tháng tình trạng vẫn tiến triển rất chậm. Ngày 22/12 vừa qua, anh C. được chuyển ra Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội).
“Do di chứng của đột quỵ, bệnh nhân bị liệt cứng nửa người trái, chưa thể đi lại được. Với trường hợp nặng như vậy, chúng tôi tiên lượng phải mất nhiều đợt điều trị bệnh nhân mới có thể phục hồi”, BS Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, chia sẻ về tình trạng của anh C.
Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị phục hồi chức năng bằng phương pháp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt và kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu.
Theo BS Ninh, mục tiêu trước mắt là để bệnh nhân có thể đi lại được trong phòng và tự thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân.
Gia tăng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ
Đáng chú ý, theo BS Ninh, trường hợp người trẻ bị đột quỵ như anh C. đang gia tăng ở mức đáng báo động.
BS Ninh cho hay: “Cách đây vài năm, chúng tôi thống kê được độ tuổi bị đột quỵ hay gặp nhất tại khoa là từ 40 – 60, chiếm trên 60%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chúng tôi gặp rất nhiều các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi (30 – 40 tuổi)”.
Đáng nói, theo chuyên gia này, hầu hết các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ lại xuất phát từ chính những nguyên nhân hoàn toàn có thể phòng tránh được.
“Với những bệnh nhân trẻ tuổi, nguyên nhân thường gặp nhất là do lối sống phản khoa học như: lạm dụng bia rượu; sinh hoạt không điều độ: thức khuya, dậy sớm; hút thuốc lá; tắm quá muộn. Rủi ro đột quỵ từ các tác nhân này lại càng cao khi bước vào mùa lạnh”, BS Ninh phân tích.
Bên cạnh đó, việc không tuân thủ điều trị các bệnh lý là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như cao huyết áp, đái tháo đường… cũng là tác nhân thường gặp.
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân C. ở trên. Trước thời điểm bị đột quỵ 2 năm, anh đã được chẩn đoán mắc cao huyết áp. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, anh C. không tuân thủ việc uống thuốc kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân thừa nhận có duy trì các thói quen có hại như uống rượu bia, hút thuốc lá.
“Vào thời điểm xảy ra đột quỵ, huyết áp tâm thu của bệnh nhân lên tới 240 mmHg. Cao huyết áp cũng được xác định là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân này bị xuất huyết não”, BS Ninh chia sẻ.
Từ thực trạng này, BS Ninh khuyến cáo, mọi người cần đảm bảo ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, cũng như hút thuốc lá. Những trường hợp đã mắc các bệnh nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu… thì cần khám định kỳ và tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, tuân thủ chặt chỉ định điều trị để có thể phòng ngừa tối đa nguy cơ đột quỵ.